Ubuntu là gì?
Ubuntu là một hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí với hàng triệu người dùng trên khắp thế giới. Được xây dựng dựa trên Linux – một dự án khổng lồ mang đến cho hàng triệu người các phần mềm tự do và miễn phí. Linux có nhiều phiên bản và ứng dụng, trong đó Ubuntu là phiên bản phổ biến nhất trên cả laptop và desktop.
Tại sao Ubuntu lại miễn phí?
Windows và macOS thống trị máy tính để bàn trên khắp thế giới. Microsoft và Apple phát triển các hệ thống này và thu lợi từ việc bán hệ điều hành hoặc các thiết bị chạy hệ điều hành đó.
Hệ điều hành mã nguồn mở sử dụng một mô hình khác. Nó được phát triển bởi các lập trình viên trên toàn thế giới, bất cứ ai cũng có thể tự do chỉnh sửa nó và không một công ty nào kiểm soát hoàn toàn hệ sinh thái này.
Khi có ai đó đóng gói nhân Linux với phần mềm cần thiết để cung cấp chức năng như một hệ điều hành, chúng ta sẽ gọi đó là một bản phân phối Linux. Tháng 8 năm 1993, Ian Murdock đã bắt đầu một dự án mang tên Debian, được đặt theo tên cô bạn gái Debra. Chẳng mấy chốc Debian đã nhanh chóng ghi tên mình lên bản đồ với một cộng đồng sử dụng đông đảo.
Gần một thập kỷ sau đó, vào năm 2004, một công ty là Canonical đã tạo ra Ubuntu dựa trên mã nguồn của Debian. Bởi vì Debian là dự án mã nguồn mở và miễn phí, Canonical hoàn toàn có thể làm điều này. Ngày nay, rất nhiều dự án được dựa trên Ubuntu, ví dụ như Linux Mint hay Elementary OS.
Bạn có thể tải Ubuntu miễn phí tại trang chủ ubuntu.com
Canonical và cộng đồng Ubuntu
Ubuntu được quản lý và tài trợ bởi công ty Canonical Ltd. Canonical được thành lập năm 2004 bởi doanh nhân người Nam Phi, Mark Shuttleworth.
Canonical cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty sử dụng Ubuntu có tính phí. Doanh thu từ đây sau đó sẽ quay ngược trở lại để phát triển Ubuntu. Trụ sở chính của Canonical ở London, các văn phòng đại diện ở Canada, Đài Loan và Mỹ.
Canonical nắm các vai trò sau:
- Phát hành phiên bản Ubuntu mới 6 tháng một lần
- Hosting server lưu trữ dữ liệu cho cộng đồng Ubuntu.
Canonical cũng cung cấp các công cụ và dịch vụ quản lý đám mây khác nhau. Điều này không ảnh hưởng tới phiên bản desktop nhưng mang lại lợi ích cho người dùng Ubuntu server.
Như đã đề cập, Canonical không tạo ra hay duy trì hầu hết các phần mềm trên Ubuntu. Đây là một trong số những cách mà Ubuntu hưởng lợi từ những người không phải nhân viên của mình:
- Kiểm thử phần mềm
- Viết tài liệu người dùng
- Thiết kế artwork
- Hỗ trợ và trả lời câu hỏi (như trên Ask Ubuntu)
Ubuntu và Linux
Linux là hạt nhân (kernel), là thành phần cốt lõi của hệ điều hành và cho phép phần mềm giao tiếp với phần cứng. Lưu ý, bản thân hạt nhân không phải là một hệ điều hành.
Hạt nhân Linux được sử dụng bởi rất nhiều hệ điều hành mã nguồn mở và giống với Ubuntu, được phát hành dưới giấy phép GNU General Public License. Cái tên Linux bắt nguồn từ người sáng lập Linus Torvalds – lập trình viên người Ba Lan đã tạo ra nó năm 1991.
Tại sao nên sử dụng Ubuntu?
Có rất nhiều lý do để sử dụng Ubuntu, dưới đây là những điểm quan trọng nhất:
- Miễn phí.
- Dễ dàng sử dụng, dùng thử và cài đặt: quá trình cài đặt Ubuntu có thể chưa tới 15 phút.
- Ubuntu có giao diện đẹp và thân thiện: tất cả nhờ vào GNOME desktop.
- Nó rất ổn định và rất nhanh.
- Ubuntu miễn dịch với các loại virus Windows làm lỗi máy tính.
- Cập nhật liên tục: Canonical phát hành phiên bản mới mỗi 6 tháng. Đồng thời được cập nhật thường xuyên và miễn phí.
- Trong số các hệ điều hành Linux, Ubuntu được hỗ trợ nhiều nhất.
Các bản phát hành của Ubuntu
Mỗi hệ điều hành đều có cách riêng để đặt tên mã (code name) và version. Đối với Ubuntu ban đầu có vẻ lạ, nhưng thật ra nó có quy tắt rất rõ ràng.
Version
Canonical mang tới phiên bản Ubuntu mới mỗi sáu tháng, vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Mỗi phiên bản Ubuntu có version là số năm + số tháng nó phát hành. Ví dụ, phiên bản Ubuntu mới nhất là Ubuntu 20.04 Focal Fossa, và phiên bản tiếp sau sẽ là Ubuntu 20.10 Groovy Gorilla.
Code Name
Cùng với số phiên bản, Ubuntu cũng được đặt tên mã bằng cách sử dụng tên động vật. Ví dụ Eoan Ermine là chồn đuôi ngắn còn Focal Fossa là một loài báo mèo.
Ba phiên bản đầu tiên của Ubuntu là Warty Warthog (4.10), Hoary Hedgehog (5.04) và Breezy Badger (5.10) không được đặt theo thứ tự. Nhưng từ phiên bản tiếp sau là Dapper Drake (6.06), tên mã của Ubuntu được đặt theo thứ tự alphabet.
Hỗ trợ dài hạn (LTS – Long Term Support)
Phiên bản Ubuntu bình thường sẽ được Canonical phát hành mỗi sáu tháng và hỗ trợ 18 tháng sau đó. Ngoài ra còn có phiên bản LTS ra mắt mỗi 2 năm. Phiên bản LTS hiện tại là 18.04 và sắp tới sẽ là 20.04.
Danh sách các bản phân phối chính thức của Ubuntu
- Ubuntu GNOME (Phiên bản mặc định)
- Xubuntu
- Kubuntu
- Ubuntu Mate
- Ubuntu Budgie
- Ubuntu Kylin
- Ubuntu Studio
- Mythubuntu
- Edubuntu
- Ubuntu Unity (Phiên bản cũ)
Cấu hình yêu cầu tối thiểu:
- CPU 1.2 GHz lõi kép
- 4 GB RAM
- 25 GB ổ cứng
- VGA cho độ phân giải màn hình 1024×768
Ubuntu vs Windows
Dưới đây là một số so sánh giữa Ubuntu và Windows 10.
So sánh | Ubuntu | Windows 10 |
---|---|---|
Đơn vị phát triển | Canonical | Microsoft |
Nhóm hệ điều hành | Linux | Windows NT |
Mã nguồn | Mã nguồn mở | Bản quyền |
Ngày phát hành | 20 October 2004 | 15 July 2015 |
Kiểu nhân | Monolithic | Hybird |
Giao diện mặc định | GNOME, Unity | Windows Shell |
Giá | Miễn phí | Trả phí |
Virus | Virus không tồn tại được lâu | Bị tấn công thường xuyên |
Cập nhật | Dễ dàng, Tự nguyện | Bắt buộc |
Dành cho lập trình | Tốt, nhiều tính năng hỗ trợ | Tốt |
Giải trí | Mục đích chính không dành cho giải trí | Phim ảnh, Âm nhạc,... dễ dàng sử dụng |
MS Office | Không có | Có. Hoạt động tốt |
Gaming | Không | Có |
Hỗ trợ Adobe và Photoshop | Không | Có |
Hiêu suất (RAM và CPU) | Tốt hơn Windows | Ổn |
Bảo mật | Không cần tới Antivirus và Firewall | Cần Antivirus và Firewall |
Khả năng làm quen | Khó hơn Windows | Dễ dàng |
Nếu bạn là người mới làm quen hay muốn chuyển sang sử dụng Ubuntu, thì không nên bỏ qua bài viết này.